Thành công không phải là đích đến mà là trải nghiệm trên từng chặng đường đi – Phỏng vấn Nguyễn Thanh Tùng

Thành công không phải là đích đến mà là trải nghiệm trên từng chặng đường đi – Phỏng vấn Nguyễn Thanh Tùng
5 (100%) 1 vote[s]

“Mình luôn tâm niệm: ‘Thành công không phải là đích đến mà là trải nghiệm trên từng chặng đường đi’. Vì vậy nếu bạn có khát khao, có đam mê nào đó thì hãy cứ thực hiện đừng quan tâm nó có đến đích hay không, bởi dám thực hiện đã là một thành công lớn rồi.” ~ Nguyễn Thanh Tùng

Đọc bài phỏng vấn của blog Vinacode với anh Nguyễn Thanh Tùng, là một developer có nhiều năm kinh nghiệm với công nghệ Microsoft .NET và hiện anh đang là Chief Software Architect tại công ty MISA JSC. Anh cũng là người rất tích cực chia sẻ kiến thức cho cộng đồng qua các hoạt động làm speaker và trainer tại các sự kiện do Microsoft và nhiều đơn vị khác tổ chức; để nghe anh chia sẻ về:

  • Những mặt ưu và nhược điểm của .NET so với các công nghệ khác.
  • Cách học .NET một cách hiệu quả và những nguồn tài liệu hữu ích về công nghệ Microsoft .NET
  • Kinh nghiệm thi lấy chứng chỉ Microsoft Certified Professional Developer (MCPD) và thông tin về các loại chứng chỉ mà một developer .NET cần quan tâm.
  • Những kiến thức và kỹ năng cần trang bị để trở thành một Chief Software Architect.
  • Kinh nghiệm và kỹ năng để làm tốt công việc của một speaker và trainer tại các sự kiện do Microsoft và các đơn vị khác tổ chức.

Chào anh Thanh Tùng, anh có thể giới thiệu với độc giả blog Vinacode đôi chút về background IT của mình?

Đầu tiên cho mình gửi lời chào đến các độc giả Vinacode. Cũng rất là bất ngờ khi nhận được lời mời phỏng vấn chia sẻ kinh nghiệm với các bạn từ anh Hùng – admin của site. Xin cảm ơn anh Hùng.

Về background IT của mình cũng khá cơ bản, trước khi vào đại học thì mình may mắn được làm quen với máy tính từ những năm cấp 3 nhưng hồi đó cũng chỉ dừng lại ở việc sử dụng phần mềm Word, Excel, MS DOS rồi các chương trình chat chit như MIRC, Yahoo với bạn bèJ … Sau đó mình xin được một vài quyển sách về lập trình Pascal, ngâm cứu, viết một vài phần mềm nho nhỏ sử dụng ngôn ngữ này và cảm thấy bị lôi cuốn bởi nó vì thế mình quyết định thi vào khoa Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp ra trường mình đầu quân tại Trung tâm phát triển phần mềm – Công ty cổ phần MISA và tại đây mình định hướng đi theo chuyên ngành công nghệ Microsoft .NET. Hiện nay ngoài công nghệ .NET mình đã và đang mở rộng sang rất nhiều công nghệ Open Source khác vì quan điểm của mình là mọi thứ đều có cái hay của nó, mình biết càng nhiều thì sẽ có những cái nhìn khách quan hơn về từng công nghệ và sẽ càng ít sai lầm hơn khi đưa ra những quyết định quan trọng J

Là người có kinh nghiệm làm việc với công nghệ Microsoft .NET từ năm 2007 đến nay. Anh có thể so sánh một số mặt ưu và nhược điểm của .NET với các công nghệ khác? Nếu một bạn trẻ muốn tìm hiểu về công nghệ .NET thì nên bắt đầu từ đâu? Anh có thể chia sẻ một vài nguồn tài liệu chất lượng về công nghệ .NET?

Sau những năm làm việc với công nghệ Microsoft .NET mình có thể thấy một số ưu điểm của nó là:

  • Cộng đồng lập trình viên .NET đông đảo và hỗ trợ lẫn nhau rất tốt, theo mình biết thì hiện tại có khoảng 20 triệu lập trình viên .NET trên toàn thế giới.
  • Công cụ phát triển (IDE – Integrated Development Enviroment) Visual Studio cùng với công cụ TFS (Team Foundation Server) rất mạnh hỗ trợ hầu như toàn bộ vòng đời của một sản phẩm phần mềm từ bước phân tích, thiết kế cho đến thực thi và kiểm thử. Mình chưa thấy một IDE nào mạnh như vậy.
  • Hệ sinh thái third-party .NET rất nhiều và chuyên nghiệp, mình có thể kể ra một số third party về UI nổi tiếng như các bộ control của Telerik, Infragistic, ComponentOne, DevExpress, Ext.NET…
  • Một ưu điểm khác cũng cần chỉ ra đó là .NET là một Framework All In One, bạn chỉ cần học một ngôn ngữ lập trình (ví dụ: C#) là có thể viết code cho tất cả các ứng dụng từ Winform cho đến Webform, rồi cho cả Mobile. Tất nhiên nói như vậy cũng chưa hẳn chính xác vì với mỗi loại ứng dụng khác nhau bạn sẽ còn phải học về các công nghệ riêng của nó nhưng tất cả đều được viết trên C# vì vậy bạn sẽ rất nhanh chóng để nắm bắt được nó.
  • Gần đây xuất hiện công nghệ Xamarin và Microsoft cũng đã tích hợp công nghệ này vào Visual Studio, công nghệ mới này giúp chúng ta có thể tạo ra các ứng dụng đa nền tảng như Android, iOS, Windows Phone sử dụng chung một ngôn ngữ như C#. Mình thấy đây là một công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều cho các lập trình viên khi muốn phát triển các ứng dụng đa nền tảng và đặc biệt là cho các công ty phát triển ứng dụng mobile. Thay vì bạn phải thuê 3 lập trình viên cho các nền tảng khác nhau thì giờ bạn chỉ cần thuê một lập trình viên C#. Chi phí lương sẽ giảm đi đáng kể và thời gian sản phẩm ra mắt có khi lại sớm hơn (Tạm thời bỏ qua những nghi vấn về performance của Xamarin vì nó còn khá mới và chưa được kiểm nghiệm trên thực tế nhiều nhưng cá nhân mình vẫn đánh giá đây là một ưu điểm so với các công nghệ khác)
  • Microsoft đã open-source .NET và rất nhiều công nghệ trong thời gian gần đây, điều này giúp cho hệ sinh thái của Microsoft phát triển khá sôi động và dưới góc nhìn của lập trình viên thì mình thấy đây là một ưu điểm rất lớn vì Microsoft sẽ tận dụng được sức mạnh của cộng đồng trong việc cải tiến tính năng cũng như hiệu năng của sản phẩm .NET
  • Hơn nữa với việc đặt nhà máy sản xuất smartphone tại Việt Nam cùng với việc đánh giá cao thị trường cũng như cộng đồng developer Việt Nam ở một số buổi hội thảo gần đây, rõ ràng Microsoft sẽ có những trợ giúp rất lớn cho developer đi theo công nghệ .NET trong thời gian tới.

Rất nhiều ưu điểm như thế nhưng không phải là .NET không có những nhược điểm, một số nhược điểm dễ nhận thấy nhất của .NET đó là:

  • Performance của sản phẩm: Cá nhân mình thấy performance của sản phẩm trên nền .NET không được tốt như trên các nền tảng khác. Có vẻ như Microsoft đã hỗ trợ quá nhiều cho lập trình viên trong việc auto generate code nên thường là code viết trên .NET nếu không có kinh nghiệm và hiểu biết sâu để code tối ưu thì dễ dẫn đến performance kém.
  • Công nghệ thay đổi quá nhanh và quá nhiều: Microsoft liên tục cập nhật và ra mắt những công nghệ mới trên nền .NET, điều này làm cho các lập trình viên mới cảm thấy choáng ngợp khi không biết bắt đầu học từ đâu. Mình từng nói chuyện với một vài lập trình viên Java lâu năm và họ nói đây là điểm họ không thích nhất ở công nghệ .NET vì nó thể hiện sự thiếu ổn định. Tất nhiên quan điểm của mỗi người là khác nhau nhưng điều đó phản ánh một phần nào về nhược điểm của công nghệ .NET
  • Chi phí: Nếu bạn sử dụng open source như Linux, MySQL, PHP thì hầu như bạn sẽ chẳng mất đồng nào về bản quyền. Thế nhưng với .NET thì mọi thứ lại khác, từ Windows Server, SQL Server cho đến Visual Studio + TFS mọi thứ đều sẽ mất tiền. Ở giai đoạn startup bạn sẽ không mất nhưng sau này khi công ty lớn lên, sản phẩm lớn lên thì cũng sẽ mất J. Có lẽ đó là lý do chính tại sao các startup không chọn .NET?

Quay trở lại câu hỏi của Vinacode.

Nếu một bạn trẻ muốn tìm hiểu về công nghệ .NET thì nên bắt đầu từ đâu?

Câu trả lời rất đơn giản, bạn hãy bắt đầu bằng việc xây dựng một ứng dụng mà bạn thực sự muốn làm trên C#. Không quan trọng đó là ứng dụng Winform, Webform hay Mobile, chỉ cần đó là sản phẩm mà bạn dành hết tâm huyết để làm thì chắc chắn là bạn sẽ nắm bắt được .NET rất nhanh. Bởi vì khi bạn đã có tâm huyết để làm một ứng dụng thì bạn đã biết ứng dụng đó làm cho ai, đáp ứng nghiệp vụ gì và tính năng phải đáp ứng như thế nào, phần còn lại chỉ là áp dụng về mặt cú pháp .NET làm sao để thực hiện được những tính năng đó. Thực hiện theo cách này sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quát để giải quyết vấn đề dựa trên .NET chứ không chỉ đơn thuần là bạn học về cú pháp và cách sử dụng .NET, có như vậy bạn mới có thể nhớ và hiểu được tường tận vấn đề.

Tài liệu về .NET thì rất nhiều nhưng mình chỉ xin đưa ra một số nguồn mà mình tin là sẽ hữu ích với bất cứ bạn nào theo công nghệ .NET.

  • MSDN: Đây là kho tài nguyên phong phú và đồ sộ nhất về .NET của Microsoft
  • Channel9: Kho video các event và công nghệ mới nhất của Microsoft
  • MicrosoftVirtualAcademy: Kho training của Microsoft, có nhiều khóa học rất hữu ích cho các bạn mới tiếp cận .NET
  • StackOverflow: Trang hỏi đáp này quá nổi tiếng rồi
  • CodeProject: Kho tài nguyên cực lớn mà bất cứ developer nào cũng từng ghé thăm
  • C-SharpCorner: Một site của Ấn Độ với nguồn tài nguyên vô cùng hữu ích, chất lượng và cập nhật hàng ngày.
  • Twitter: Hãy follow những MVP hoặc những chuyên gia .NET, bạn sẽ luôn nhận được những tin tức và chia sẻ mới nhất về .NET
  • ASP.NET: Nếu bạn lập trình web trên .NET thì không thể bỏ qua site này
  • MSDN Managize: Các bài viết của các chuyên gia đầu ngành .NET rất chất lượng
  • Blog của một số chuyên gia rất nổi tiếng của Microsoft: ScottGu, Scott Hanselman

Được biết anh đã từng thi lấy chứng chỉ Microsoft Certified Professional Developer (MCPD). Vậy anh có thể tóm lược qua một số nội dung có thể sẽ gặp phải trong kỳ thi? Các bạn trẻ nên tìm hiểu thông tin và đăng ký thi ở đâu là tốt nhất?

Mình đã lấy chứng chỉ MCP Exam 519 về Designing and Developing Web Application Using Microsoft .NET Framework 4. Đây là chứng chỉ phù hợp cho những senior developer hoặc architect đã có một vài năm kinh nghiệm lập trình ứng dụng webform trên công nghệ Microsoft .NET, bởi vì nó chứa đựng khá nhiều kiến thức và kỹ thuật mang tính thiết kế kiến trúc phần mềm sao cho đạt được hiệu năng tốt và bảo mật cao.

Các bạn lưu ý MCPD chỉ là một loại chứng chỉ của Microsoft, với developer thì cần quan tâm 4 loại chứng chỉ sau:

  • MCSD (Microsoft Certified Solution Developer) – Cấp độ thấp hơn MCPD
  • MCPD (Microsoft Certified Professional Developer)
  • MCSM/MCM (Microsoft Certified Solution Master) – Cấp độ cao hơn MCPD
  • MCA (Microsoft Certified Architect) – Cấp độ cao hơn MCPD

Chi tiết về các loại chứng chỉ này các bạn có thể tham khảo thêm tại đây:

  • https://www.microsoft.com/vietnam/learning/MCP.aspx

Mình xin chia sẻ một chút về kinh nghiệm thi chứng chỉ của mình cho các bạn nào có ý định thi trong thời gian tới đây có thể tham khảo:

  • Đầu tiên bạn cần xác định mình mong muốn chuyên sâu về phần nào thì hãy tập trung học tập về phần đó vì mỗi chứng chỉ MCP sẽ chuyên về một phần công nghệ trong .NET. Hồi trước mình học và thi ở NetPro Academy chỗ Hoàng Cầu nhưng cái này cũng không quan trọng lắm, bạn cứ chọn các partner được Microsoft công nhận ở Việt Nam để thi là được rồi.
  • Tiếp đó khi bạn đăng kí học ở các trung tâm này thì bạn sẽ được phát một quyển sách theo đúng Exam đó và theo ý kiến cá nhân của mình bạn chỉ cần đọc và hiểu những nội dung chính của sách là đã có thể pass đến 70% rồi. Sở dĩ mình nói thế là bởi vì 30% còn lại sẽ phụ thuộc vào việc bạn có làm các đề thi thử (dump) trước khi đi thi hay không, có nhiều câu không hiểu do lỗi đánh máy hay mình dốt tiếng Anh nhưng đề thi và đáp áp thực sự mù mờ nên phải làm trước mới biết được kết quả đúng L.
  • Từ kinh nghiệm của mình thì mình khuyên các bạn chỉ nên đăng kí thi ở các trung tâm này chứ không nên đăng kí học vì mình thấy chất lượng giảng dạy không được tốt và chuyên nghiệp, bạn hoàn toàn có thể pass kì thi dựa vào kinh nghiệm của mình + ebook và dump có sẵn trên mạng.

Nói về cơ hội và lợi thế khi bạn có chứng chỉ MCP thì rất nhiều:

  • Như về mặt tuyển dụng: nếu bạn là một developer làm được việc bạn đã là rất sáng giá rồi nhưng nếu các bạn có chứng chỉ MCP nữa thì đương nhiên là các bạn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với các ứng viên khác: bạn sẽ có cơ hội tuyển dụng cao hơn, có khả năng được đề xuất mức lương cao hơn, dễ dàng ứng tuyển vào các công ty nước ngoài hơn vì chứng chỉ này được công nhận toàn cầu.
  • Còn về mặt chuyên môn bạn sẽ được tham gia cộng đồng MCP của Microsoft, có cơ hội được tiếp xúc với những nguồn tài liệu mới và hữu ích theo chuyên ngành từ cộng đồng này, được mua sách giảm giá, có tiếng nói hơn trong cộng đồng developer và có cơ hội trở thành speaker ở các sự kiện của Microsoft… Rất rất nhiều cơ hội và lợi thế khác nữa nhưng những cái đấy chỉ là bề nổi, điều quan trọng hơn là khi bạn có chứng chỉ MCP tức là bạn đã làm chủ được công nghệ đó rồi.

Hiện tại anh đang là Chief Software Architect tại công ty MISA JSC, anh có thể cho biết công việc và trách nhiệm thường ngày của một Chief Software Architect là gì? Nếu một bạn trẻ muốn phấn đấu trở thành một Chief Software Architect thì nên rèn luyện những kỹ năng gì thưa anh?

Công việc của mình cũng giống như các Software Architect ở các công ty khác, mình chịu trách nhiệm đánh giá các công nghệ rồi cùng với Software Architect của các dự án lựa chọn, phân tích thiết kế và xây dựng nên các framework của ứng dụng làm sao để đảm bảo đáp ứng được các mặt như dễ thi công, dễ bảo trì, hiệu năng tốt, bảo mật cao…

Bên cạnh đó mình cũng chịu trách nhiệm mentor và training các developer, architect về công nghệ và kỹ thuật mới để có thể áp dụng hiệu quả cho công việc.

Để trở thành một Software Architect thì mình xin chia sẻ một vài điều như sau:

  • Đầu tiên là các bạn phải làm thật tốt những công việc dù là nhỏ nhất. Ví dụ như ban đầu chỉ đơn giản là code làm sao cho chức năng chạy được, đúng đủ yêu cầu nhưng dần dần chúng ta sẽ phải học hỏi code sao cho tối ưu hơn, dễ bảo trì hơn, áp dụng clean code, refactoring…
  • Tiếp đó các bạn sẽ phải nghiên cứu đến các vấn đề về mặt design như các kiến trúc, mô hình design ứng dụng: n-tiers, MVP, MVC, MVVM… các cách code để đảm bảo performance cũng như bảo mật, các design patterns…
  • Một phần tương đối quan trọng nữa là các kiến thức nền tảng liên quan đến lập trình hướng đối tượng, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, mạng máy tính, hệ điều hành, database: SQL, NoSQL… Những kiến thức này các bạn được học ở trường và nó vô cùng quan trọng nhưng rất tiếc là thường chỉ khi đi làm thực tế các bạn mới nhận ra điều này nên mình khuyên các bạn hãy chuyên tâm để nắm bắt những kiến thức này ngay từ trên ghế nhà trường, sau này đỡ phải học lại.

Như các bạn thấy có rất nhiều kiến thức và kĩ năng phải học nếu bạn muốn trở thành một Software Architect. Bên cạnh đó công nghệ luôn thay đổi rất nhanh từng phút, từng giây vì vậy điều quan trọng nhất mình muốn nhấn mạnh là chúng ta phải không ngừng học hỏi. Bạn sẽ phải luôn luôn cập nhật và mở rộng kiến thức của mình nếu bạn muốn theo kịp sự phát triển của công nghệ và luôn sẵn sàng để đáp ứng được công việc của một Software Architect.

Anh từng tham gia làm Trainer, Speaker tại nhiều sự kiện do Microsoft và các đơn vị khác tổ chức, anh có thể chia sẻ một vài thông tin về những sự kiện này? Nếu một bạn trẻ muốn trở thành một Trainer hoặc Speaker thì họ cần rèn luyện những kỹ năng gì thưa anh?

Mình có tham gia speaker tại một vài sự kiện của Microsoft, MobileDay, TechMaster tổ chức. Điểm thú vị của các sự kiện này đó là bạn sẽ gặp rất nhiều developer khác có cùng lĩnh vực và cùng sở thích. Khi nói chuyện và làm việc cùng developer ở các sự kiện này chúng ta sẽ có thêm những kiến thức và trải nghiệm mới mà không phải lúc nào mình cũng có được nếu chỉ đi học hoặc đi làm hàng ngày.

Anh Nguyễn Thanh Tùng đang chia sẻ tại hội thảo Việt Nam MobileDay

Mình ví dụ ở các sự kiện có CodeCamp, Workshop, CodingDojo, Hackathon… (các sự kiện tập trung vào việc coding và tạo ra sản phẩm ngay), thông thường:

  • Các sự kiện này thường sẽ chia theo team có phân công công việc rõ ràng vì vậy bạn sẽ học hỏi được những kĩ năng như giao tiếp, lập kế hoạch và phân chia công việc (nếu bạn làm trưởng nhóm), các kiến thức và kĩ năng của các thành viên kinh nghiệm hơn trong nhóm…
  • Điều mình cảm thấy thú vị nhất đó là bạn sẽ được sống trong một không khí coding hăng say và miệt mài để tạo ra sản phẩm trong một khoảng thời gian rất ngắn: thường là từ 1-2 ngày.

Để trở thành một trainer hoặc speaker theo mình không phải là việc khó. Mình chỉ xin nhấn mạnh ở hai điểm:

  • Thứ nhất bạn phải tự tin, đừng ngại ngùng.
  • Thứ hai bạn phải là người ham thích việc chia sẻ.

Nếu bạn thấy có ham muốn chia sẻ kiến thức và tự tin về kiến thức của mình thì hãy đăng kí làm speaker ở các sự kiện. Nếu bạn thấy thật sự có hứng thú với event codecamp nào đấy thì hãy đăng kí ngay đừng chần chừ. Bởi vì nếu bạn không thử thì làm sao bạn biết được khả năng của mình đến đâu.

Khi bạn đã vượt qua giai đoạn đầu ngại ngùng này rồi thì bạn cũng cần chú ý hơn đến những kĩ năng khác như:

  • Kỹ năng làm slide sao cho sinh động, hấp dẫn chứ đừng cẩu thả quá, nhiều chữ quá.
  • Kỹ năng thuyết trình sao cho người nghe đừng ngủ gật J
  • Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm nếu tham dự codecamp sao cho hiệu quả công việc cao nhất…

Có ý kiến cho rằng Developer tại Việt Nam thiếu sự kết nối, bởi vậy không huy động được sức mạnh của cả cộng đồng. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Về vấn đề này thì mình có cùng quan điểm, vì mình cũng đã làm việc trong ngành gần được 10 năm và bản thân mình có thể cảm nhận được sự thiếu kết nối của cộng đồng developer Việt Nam L

Điều dễ nhận thấy nhất đó là văn hóa chia sẻ có sự khác biệt rất lớn giữa cộng đồng developer Việt Nam và nước ngoài. Người nước ngoài họ luôn đề cao văn hóa chia sẻ, viết blog, viết báo… họ quan niệm rằng đã học được từ cộng đồng rất nhiều thì cũng phải có trách nhiệm đóng góp lại cho cộng đồng. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có quá ít các cộng đồng: diễn đàn, site, blog về công nghệ thực sự chất lượng. Chủ yếu chúng mới dừng lại ở mức tin tức chứ không có nhiều cộng đồng chuyên sâu về kỹ thuật. Từ việc không có nhiều cộng đồng online chất lượng dẫn đến các cộng đồng offline: các sự kiện chất lượng cũng không nhiều. Mình cũng không rõ đây là do tâm lý không thích chia sẻ, tâm lý kín đáo của người Á Đông hay là do chúng ta luôn có quá nhiều việc phải làm nữa, nhưng hiện trạng đang là như vậy.

Bản thân mình cũng là người tham gia rất nhiều cộng đồng công nghệ Việt Nam nhưng mình thấy có quá ít các hoạt động thực sự mang lại giá trị cho cộng đồng. Một số cộng đồng có nhiều hoạt động giá trị thì lại không phát triển được, không kết nối được nhiều thành viên tham gia vì ít người biết tới. Rõ ràng sự thiếu kết nối này dẫn đến các tri thức không được lan tỏa và làm yếu đi rất nhiều sức mạnh của developer Việt Nam.


Anh Nguyễn Thanh Tùng (đứng giữa) tại sự kiện Microsoft Tech-days Vietnam

Bằng chứng có thể chỉ ra là trước đây mình có tham gia một group techtalk vào thứ 7 hàng tuần qua Skype, thời gian đầu group cũng hoạt động rất sôi nổi nhưng sau đó các hoạt động thưa dần vì ít người mới tham gia và ít người xung phong đứng lên làm speaker. Hay như gần đây mình có lập ra HaNoi .NET Meetup với mong muốn tổ chức được các buổi meetup về công nghệ .NET tại Hà Nội hàng tháng, nhưng đến hiện tại vẫn chưa thể tiến hành được một buổi meetup nào vì không thấy có ai hào hứng tham dự meetup cả (dù số lượng thành viên đăng kí cũng khá đông).

Điều thứ hai mình thấy các bạn developer tham gia cộng đồng nhưng không chuyên nghiệp. Một số điểm có thể chỉ ra như các bạn hay đặt các câu hỏi không đúng trọng tâm cần hỏi làm cho các trao đổi trên cộng đồng mất nhiều thời gian và công sức trao đổi qua lại; các bạn hay bị cuốn vào các tranh cãi vô bổ, chỉ trích cá nhân hơn là tập trung vào các vấn đề cần làm rõ; các bạn không dành đủ sự tôn trọng cho các thành viên kinh nghiệm đã chia sẻ lại kiến thức, kinh nghiệm cho các bạn.

Mình hy vọng rằng trong thời gian tới những điều này sẽ dần dần được cải thiện để giúp cho cộng đồng developer Việt ngày càng phát triển lên.

Nếu được đưa ra một lời khuyên cho các bạn trẻ đang theo đuổi ngành CNTT thì anh sẽ nói gì?

Với các bạn trẻ đang theo đuổi ngành CNTT thì mình xin phép khuyên các bạn 4 điều như sau:

  • Các bạn hãy học Tiếng Anh thật tốt vì đó là con đường giúp bạn có thể tiếp cận những tri thức công nghệ nhanh nhất và đầy đủ nhất.
  • Hãy tích cực tham gia các hoạt động event cộng đồng về công nghệ như các buổi meetup, codecamp, codingdojo, hackathon… vì chắc chắn ở đó bạn sẽ học được rất nhiều điều.
  • Hãy tự tin đăng kí làm speaker ở các event. Ban đầu có thể là những event nhỏ ở nhóm, ở trường, rồi đến những event ở các group, hội thảo lớn sau. Việc trở thành speaker sẽ giúp bạn có được những kiến thức và trải nghiệm vô cùng quý báu cả trước, trong và sau event đó.
  • Hãy bắt đầu viết một blog công nghệ ngay hôm nay. Tại sao mình lại khuyên các bạn như vậy bởi vì đơn giản cho đi tức là nhận lại, bạn chia sẻ cho người khác thì người khác cũng sẽ chia sẻ lại cho bạn. Khi bạn viết blog để chia sẻ cũng chính là bạn đã tổng hợp lại kiến thức của mình, đó chính là quá trình học hỏi, tích lũy kiến thức của bạn. Bạn đừng nghĩ rằng cứ phải là các chuyên gia, blogger chuyên nghiệp mới viết được blog, chính bạn cũng có thể viết blog, chỉ có điều là bạn có bắt tay thực hiện hay không.

Mình luôn tâm niệm: “Thành công không phải là đích đến mà là trải nghiệm trên từng chặng đường đi”. Vì vậy nếu bạn có khát khao, có đam mê nào đó thì hãy cứ thực hiện đừng quan tâm nó có đến đích hay không, bởi dám thực hiện đã là một thành công lớn rồi.

Cảm ơn anh đã tham gia phỏng vấn và cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho độc giả của VinaCode. Chúc anh thành công với các kế hoạch sắp tới.

Cảm ơn VinaCode.

Bạn có thể đọc thêm các bài viết rất hữu ích của anh Nguyễn Thanh Tùng về công nghệ Microsoft .NET trên blog cá nhân https://tungnt.net/, hoặc có thể liên hệ với anh qua Facebook, Google+, Twitter, GitHub, LinkedIn hay qua email tungnt185[at]gmail.com

Bạn có đang học tập và làm việc trên công nghệ Microsoft .NET? Bạn đang quan tâm đến việc thi lấy các chứng chỉ của Microsoft và muốn tham gia làm speaker/ trainer tại các sự kiện do Microsoft tổ chức? Hay bạn đang phấn đấu để trở thành một Chief Software Architect trong tương lai? Hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận tại phần bình luận phía dưới nhé!

Nguồn: http://vinacode.net/2015/05/11/thanh-cong-la-trai-nghiem-tren-tung-chang-duong-di/

Comments

  1. Ngan Nguyen says

    Congratulation :), a Tùng pro. Nếu Blog của anh Tùng ngày càng có nhiều người biết đến thì chắc là sẽ có nhiều ứng viên apply vào MISA đây :)

  2. Mr.Bong says

    Những chia sẻ của anh rất hữu ích. Mong rằng sẽ nhận được nhiều sự chia sẻ của anh hơn nữa. Cho em hỏi chút là trong bài chia sẻ của anh có nhắc đến Xamarin, em chưa dùng nó bao giờ nhưng em biết một công nghệ cũng tương tự là Phonegap. Vậy anh đánh giá 2 công nghệ này như thế nào ạ?
    Cảm ơn anh!

    • tungnt185 says

      Cảm ơn em.

      Về 2 công nghệ Xamarin và Phonegap thì đều dùng để xây dựng các app cross platform nhưng có sự khác nhau: xamarin là dùng để xây dựng ứng dụng native app còn phonegap (công nghệ mới là Apache Cordova) là dùng để xây dựng ứng dụng web app nên performance và khả năng truy cập hệ thống sẽ thấp hơn.

      Regards

  3. Harry says

    Em cũng là 1 Dev .Net, nhưng chỉ là junior developer. Em có hay theo dõi blog của anh. Hi vọng anh có thể chia sẻ thêm nhiều bài viết hay về công nghệ Microsoft. Em thấy microsoft có 1 số tool ERP rất mạnh như Sharepoint. Mong anh chia sẻ nhiều về các công nghệ này.

    Regards

    • tungnt185 says

      Hi em,

      Cảm ơn em đã dõi theo blog của anh nhé. Anh sẽ cố gắng để chia sẻ nhiều nhất có thể cho cộng đồng.

      Về Sharepoint thì ở thời điểm này anh chưa định chia sẻ vì công nghệ này chỉ phục vụ một số lượng nhỏ lập trình viên. Ở VN anh nghĩ chỉ có đối tượng nhà nước là dùng nhiều sharepoint, mà có khi mua nhưng không dùng :)

      Với cả anh cũng không có nhiều kinh nghiệm về sharepoint nhưng anh biết sharepoint phần tích hợp là nhiều, phần phát triển dành cho developer cũng không nhiều chủ yếu là phát triển các custom webpart sử dụng asp.net nên bất kì ai đó cũng có thể lĩnh hội được nhanh nếu nắm vững asp.net

      Tuy nhiên nếu em có vấn đề gì khi phát triển sharepoint thì cứ comment tại đây, nếu anh có thể trả lời được anh sẽ reply.

      Regards.

  4. says

    Giá như anh có chia sẻ từ sớm hơn. Hay giá như em còn ngồi trên ghế nhà trường từ năm 1 hay 2: Giờ em đã là sinh viên năm cuối . 1 mực chăm của em thôi cũng là không đủ vì em bị mất rất nhiều phương hướng trong việc học tập của chính mình. Từ Windows Form – tới Windows Phone … . Và giờ em mới có định hướng cụ thể thiết thực.. Em đã join 1 khóa đào tạo Fresher của Fpt software và có 1 định hướng học tập lập trình cụ thể hơn rất nhiều..
    Vấn biến nền giáo dục Viet Nam rất tệ và 1 lập trình viên như ae chúng ta ko thể chông chờ được nhiều gì từ đấy rồi nhưng mà em vẫn muốn nói câu là Giáo dục quá tệ .. ko có định hướng cho sinh viên :(

    • tungnt185 says

      Chào Mạnh,

      Đó là thực trạng chung và chúng ta phải chấp nhận điều đó và đóng góp một phần công sức để thay đổi nó.
      Anh nghĩ rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một thứ gì đó. Chúc em luôn có đủ lòng tin và sự kiên định để đi đến cuối con đường mình chọn. Và quan trọng hơn hãy chia sẻ và giúp đỡ những người khác để ít người rơi vào hoàn cảnh của em hơn.

      Regards.

      • says

        Hi … mong rằng cộng đồng Dev mình giờ ngày càng lớn mạnh có quy các cuộc hội thảo ngày càng lớn hơn để giúp thế hệ trả ngày càng lớn mạng

  5. Nguyễn Ngọc Thế says

    Hi, Anh này học trên mình 1 khóa đây. 😀 . Em xin giới thiệu em cũng học ở Yên thế khóa 86 :). Cũng theo ngành lập trình có làm một sản phẩm theo hướng Misa nhưng chưa ra hồn :(. Hy vọng có điều kiện anh em giao lưu học hỏi thêm.

    Chúc mừng anh.

    • tungnt185 says

      Chào em, rất vui khi gặp đồng hương. Chú học dưới anh một lớp mà anh không biết nhỉ :)

      Nếu ở HN thì hôm nào cafe giao lưu nhé.

      • Nguyễn Ngọc Thế says

        Hi, gặp nhau chắc anh nhận ra ngay thôi . Nhà em ở ngay phố Hoàng Hoa Thám.

        Ok anh hôm nào anh em giao lưu, chỗ anh làm chắc cũng gần ngay chỗ em thôi. Anh đang làm ở khu Duy Tân ah ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.